CÔNG TY CỔ PHẨN CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG
VÀ XÂY DỰNG SÀI GÒN

Nhà máy nước Nguyệt Hoá 10.000m³/day, tỉnh Trà Vinh

Nhà máy nước Nguyệt Hoá 10.000m³/day, tỉnh Trà Vinh

(BĐT) - Sở Xây dựng Trà Vinh (bên mời thầu) vừa công bố kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy Sản xuất nước sạch Nguyệt Hóa. Đây là dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Nhà đầu tư có cơ hội lớn tại Dự án đã lộ diện.
Nhà máy Xử lý nước Hà Thanh (Bình Định) - một trong nhiều công trình do Công ty CP Công nghệ Môi trường và Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng

Nhà máy Xử lý nước Hà Thanh (Bình Định) - một trong nhiều công trình do Công ty CP Công nghệ Môi trường và Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng

Dự án gần 80 tỷ đồng

Trong quý III, IV năm 2020, Sở Xây dựng tỉnh Trà Vinh sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu rộng rãi trong nước, phương thức một giai đoạn, hai túi hồ sơ.

Tổng chi phí thực hiện Dự án là 79,775 tỷ đồng, trong đó, vốn tự có của nhà đầu tư là hơn 19,943 tỷ đồng, còn lại là vốn vay. Thời gian thực hiện hợp đồng là 25 năm.

Theo phương án tài chính được phê duyệt, Dự án có thời gian hoàn vốn là 17 năm 8 tháng. Giá nước sạch sinh hoạt bán sỉ qua đồng hồ tổng là 4.801 đồng/m3, việc tăng giá nước sau khi Nhà máy đi vào vận hành thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT ngày 15/5/2012 (hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch). Trường hợp phát sinh công nghệ, biến động do nhân tố khách quan như: thay đổi tiêu chuẩn nước sạch, thay đổi luật, thay đổi thuế, thay đổi giá điện, thay đổi đơn giá tiền lương theo quy định của Nhà nước, biến đổi khí hậu do xâm nhập mặn được cấp có thẩm quyền phê duyệt, sẽ thương thảo lại giá nước bán sỉ qua đồng hồ tổng với nhà đầu tư tại hợp đồng dự án.

Dự án có công suất cấp nước tối thiểu là 10.000 m3/ngày đêm, được thực hiện tại xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Quy mô của Dự án là công trình hạ tầng kỹ thuật cấp II, bên cạnh Nhà máy còn có công trình thu - tuyến ống chuyển tải nước thô, tuyến ống chuyển tải nước sạch, hệ thống điện. Diện tích sử dụng đất dành cho Nhà máy là 9.000 m2, diện tích đất thu hồi tạm thời là 3.936 m2 giao cho nhà đầu tư trong thời gian thi công tuyến ống chuyển tải nước sạch sẽ được nhà đầu tư hoàn trả đúng hiện trạng khi thi công xong.

Theo thông tin do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh công bố, mục tiêu của Dự án là bảo đảm cung cấp nước sạch đầy đủ về số lượng, đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng theo quy định của Bộ Y tế phục vụ nhu cầu sử dụng nước của TP. Trà Vinh và vùng lân cận.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng với nhà đầu tư là UBND tỉnh Trà Vinh ủy quyền cho Sở Xây dựng tỉnh Trà Vinh.

Nhà đầu tư nào quan tâm đến Dự án?

Công ty CP Công nghệ Môi trường và Xây dựng Sài Gòn (SENCO) đang có cơ hội lớn tại Dự án vì có Báo cáo nghiên cứu khả thi được UBND tỉnh Trà Vinh phê duyệt (tại Quyết định số 2921/QĐ-UBND ngày 12/8/2020).

Công ty CP Công nghệ Môi trường và Xây dựng Sài Gòn tiền thân là Công ty TNHH Công nghệ Môi trường và Xây dựng Sài Gòn, được thành lập từ năm 2001, cổ phần hóa vào năm 2010. Công ty có địa chỉ đăng ký tại quận Phú Nhuận, TP.HCM. Vốn điều lệ hiện tại là 120 tỷ đồng.

Một văn bản của UBND tỉnh Trà Vinh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng ký mới đây xác nhận: “Nhà đầu tư được hưởng ưu đãi trong quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khi có Báo cáo nghiên cứu khả thi được UBND Tỉnh phê duyệt theo quy định tại Điều 37 Nghị định 63/2018/NĐ-CP. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được hưởng ưu đãi theo quy định tại Điều 59 Nghị định 63/2018/NĐ-CP”.

Về năng lực của nhà đầu tư này, tháng 7/2020, SENCO được chỉ định thầu thực hiện Dự án Nhà máy nước sạch Quy Nhơn (giai đoạn 1). Đây cũng là dự án PPP, loại hợp đồng BOO. Dự án có tổng mức đầu tư trên 367 tỷ đồng, công suất 30.000 m3/ngày đêm, được thực hiện tại thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước và TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Tại Bình Định, SENCO còn là nhà đầu tư Dự án Nhà máy Xử lý nước Hà Thanh. Nhà máy này có công suất 30.000 m3/ngày đêm, được khánh thành vào tháng 1/2017. Sau thành công của dự án này, tháng 7/2017, UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý chủ trương cho Công ty CP Cấp thoát nước Bình Định và SENCO nghiên cứu, khảo sát, lập báo cáo đề xuất Dự án Nhà máy Nước sạch Quy Nhơn.

Ngoài ra, theo giới thiệu trên website của SENCO, năm 2017, nhà đầu tư này hợp tác với Tập đoàn Anh Phát đầu tư xây dựng Nhà máy Nước Anh Phát tại Thanh Hóa, với công suất 30.000 m3/ngày đêm. Năm 2018, SENCO hợp tác xây dựng Nhà máy Nước Cư Kuin tại Buôn Ma Thuột (công suất 20.000 m3/ngày đêm).

Trong vai trò nhà thầu, SENCO từng được công bố trúng 7 gói thầu kể từ năm 2018 đến nay. Trong đó, quy mô lớn nhất là Gói thầu Xây lắp công trình số 01 thuộc Dự án Cấp nước sinh hoạt xã Đăk Cấm, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

Nguồn báo đầu thầu: https://baodauthau.vn/du-an-ppp-nha-may-nuoc-sach-nguyet-hoa-tra-vinh-lo-dien-nha-dau-tu-tiem-nang-post94961.html

Tác giả: Thuỳ Dương

Các Tin Khác :